Hội thảo ‘Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước’
Ngày đăng: 03/07/2025
Sáng 2/7, UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam tổ chức hội thảo “Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước”. Dự hội thảo có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi.


Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi phát biểu tại hội thảo. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi cho biết, chiến tranh - với tất cả những mất mát, hy sinh và khát vọng hòa bình luôn là một đề tài lớn trong nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh. Từ sau ngày thống nhất đất nước, các nhà làm phim Việt Nam đã không ngừng tìm tòi, đổi mới cách thể hiện để phản ánh chiến tranh không chỉ như một bản anh hùng ca, mà còn là hành trình nhân văn, sâu sắc về con người, về ký ức và sự hòa giải.

Những tác phẩm như “Cánh đồng hoang”, “Ngã ba Đồng Lộc” hay “Truyền thuyết về Quán Tiên” không chỉ ghi dấu ấn nghệ thuật mà còn là những lát cắt chân thực về lịch sử, góp phần nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng nhân ái và khát vọng sống trong mỗi thế hệ người Việt. Hội thảo “Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước” là một hoạt động ý nghĩa trong khuôn khổ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ III-2025, nhằm chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 - 02/9/2025) và 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

“Hội thảo hôm nay là dịp để chúng ta cùng nhìn lại chặng đường 50 năm của dòng phim chiến tranh Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất - một hành trình đầy tâm huyết, sáng tạo và cống hiến. Đây cũng là cơ hội để các nhà quản lý, các thế hệ nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và công chúng cùng trao đổi, đánh giá và định hướng cho tương lai của dòng phim này trong bối cảnh mới - khi điện ảnh không chỉ là nghệ thuật mà còn là một ngành công nghiệp văn hóa quan trọng. Đặc biệt, phim chiến tranh sau ngày đất nước thống nhất không chỉ là tư liệu lịch sử mà còn là công cụ giáo dục lòng yêu nước và lịch sử hào hùng dân tộc. Những bộ phim này giúp người trẻ hiểu được giá trị của hòa bình và sự hy sinh của các thế hệ cha ông. Thành phố Đà Nẵng luôn trân trọng những giá trị nghệ thuật đích thực. Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các hoạt động điện ảnh, đặc biệt là những chương trình mang tính chiều sâu như hôm nay được tổ chức thường xuyên, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử đến với công chúng trong nước và quốc tế”, bà Nguyễn Thị Anh Thi nhấn mạnh.

Hội thảo nghe các đại biểu trình bày các tham luận: Giá trị thực sự ở một bộ phim chiến tranh; Vai trò của người phụ nữ trong chiến tranh; Những chiến sĩ, những người Việt Nam bình thường đã vượt qua thử thách khốc liệt của cuộc chiến tranh ra sao; Dòng phim chiến tranh cách mạng ở Việt Nam sau 1975: Những cuộc đối thoại mới với quá khứ; Đề tài chiến tranh qua góc nhìn của các nhà làm phim tư nhân: khảo sát ba bộ phim Dòng máu anh hùng - Áo lụa Hà Đông và Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối; Việt Nam - Cuộc chiến tranh tự sự; Khi đạo diện trẻ làm phim đề tài chiến tranh cách mạng; Khi chiến tranh đi tìm câu chuyện của mình.

Đạo diễn, NSƯT Bùi Tuấn Dũng cho rằng, một bộ phim chiến tranh tốt, cần tái hiện trung thực bối cảnh, sự kiện và nhân vật; phản ánh sự thật lịch sử, không bóp méo hay tô hồng quá mức; phải cho người xem thấy được tính hai mặt của một cuộc chiến, thấy cả vinh quang và bi kịch của chiến tranh. “Phim không chỉ kể chuyện đánh đấm, giết chóc, mà còn đi sâu vào cuộc đời, sự hi sinh, hoặc dũng cảm, hoặc đớn hèn và lựa chọn cá nhân của mỗi người - điều tạo nên sự thuyết phục mạnh mẽ chính kiến của mỗi nhân vật trong mỗi tình huống, mỗi sự kiện trong chiến cuộc mà nhân vật phải trải qua. Từ đó khắc họa nên bản ngã, nên số phận mỗi nhân vật trong bối cảnh mà câu chuyện phim tiếp cận. Phim chiến tranh càng có chiều sâu khi đi vào tâm lý, bi kịch và cảm xúc của từng con người trong một guồng quay khốc liệt trong đó người lính không chỉ là công cụ chiến đấu - mà còn là người cha, người anh, người con, người của tình yêu thương gia đình mà họ thuộc về”- Đạo diễn, NSƯT Bùi Tuấn Dũng chia sẻ.

Ngoài các tham luận, hội thảo còn tọa đàm với khách mời là các diễn viên Hồng Ánh, Trương Ngọc Ánh, NSƯT Hoàng Hải, NSND Lan Hương và các đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, Bùi Thạc Chuyên, Đinh Tuấn Vũ, NSƯT Lưu Trọng Ninh, NSƯT Phi Tiến Sơn.

Đoàn Hạo Lương

Tin liên quan

Trang 1 / 1601 - 16008 dòngFirstPrevNextLast v
Trang 1 / 1601 - 16008 dòngFirstPrevNextLast v
Chung nhan Tin Nhiem Mang