Những điểm cốt lõi, quan trọng trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” và vận dụng triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn thành phố Đà Nẵng
Ngày đăng: 17/03/2022
Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng có bài viết: Những điểm cốt lõi, quan trọng trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” và vận dụng triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn thành phố Đà Nẵng. Bài viết mang tính chất tổng hợp những điểm cốt lõi, quan trọng, có giá trị lý luận và thực tiễn đối với thành phố Đà Nẵng. Hy vọng bài viết sẽ tiếp tục được các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố nghiên cứu, học tập và triển khai áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày càng văn minh, hiện đại, an bình và đáng sống. Sau đây, DaNangtv.vn xin giới thiệu toàn văn bài viết này:

          Ngày 16/5/2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, bài viết được công bố trong thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vào dịp kỷ niệm 131 năm, ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021) và cũng là lúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu để đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống, chuẩn bị tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

          Với cương vị là Bí thư Thành ủy, một người đảng viên, tôi thường xuyên theo dõi, ghi chép, nghiên cứu những chỉ đạo, phát biểu, lập luận của đồng chí Tổng Bí thư, đặc biệt  Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đã thể hiện nhận thức sâu sắc về chủ nghĩa xã hội, với tầm khái quát cao về lý luận và đúc rút từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, cách mạng thế giới, nhất là những nhận thức về chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn hiện nay. Bài viết đã bổ sung, phát triển lý luận về con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, điều này không chỉ có giá trị to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mà còn đóng góp giá trị sâu sắc đối với quá trình phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, các giai đoạn quá độ của chủ nghĩa xã hội và các cơ hội đổi mới chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới. Bài viết là cơ sở phương pháp luận để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

 Đồng chí Nguyễn Văn Quảng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,Bí thư Thành ủy, Trưởng
Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng.

Hiện nay, Bài viết đã được dịch sang 05 ngoại ngữ, gồm: tiếng Anh, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Lào, Khmer và nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của các học giả, nhà nghiên cứu lý luận ở trong và ngoài nước với hàng trăm bài báo, bài phân tích, đánh giá. Ngày 16/11/2021, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, cuốn sách có 824 trang, kết cấu 3 phần, gồm toàn văn bài viết của đồng chí Tổng Bí thư, 112 bài viết của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý; 50 bài trao đổi, phỏng vấn, đánh giá của các học giả, nhà nghiên cứu, bạn bè quốc tế.... Ngày 09/02/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Hội đồng Lý luận Trung ương, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” gồm 29 bài viết, bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kể từ khi chuẩn bị xây dựng Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đến nay.

          Về bố cục, có thể chia Bài viết của đồng chí Tổng Bí thư bao gồm 3 phần chính: Phần thứ nhất là việc chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và khẳng định nhận thức mới của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Phần thứ hailàtổng kết thực tiễn để đánh giá và khẳng định sự đúng đắn của việc chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và sự thắng lợi của việc chọn con đường ấy; Phần thứ ba là từ nhận thức về lý luận và tổng kết thực tiễn, đưa ra nhiệm vụ trong thời gian tới.

          Về nội dung, trong phạm vi Bài viết của đồng chí Tổng Bí thư đề cập một số khía cạnh, từ góc nhìn thực tiễn của nước ta; tập trung phân tích, làm rõ 04 nhóm vấn đề: (1) Chủ nghĩa xã hội là gì? (2)Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa?(3) Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? (4) Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?

          Thứ nhất, đối với vấn đề: Chủ nghĩa xã hội là gì? Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ ra, chủ nghĩa xã hội thường được hiểu với ba tư cách: chủ nghĩa xã hội là một học thuyết; chủ nghĩa xã hội là một phong trào; chủ nghĩa xã hội là một chế độ. Chủ nghĩa xã hội đề cập ở đây là chủ nghĩa xã hội khoa học dựa trên học thuyết Mác-Lênin trong thời đại ngày nay.

          Đồng chí Tổng Bí thư đưa ra nhận thức tổng quát: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

          Thứ hai, đối với vấn đề: Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Đồng chí Tổng Bí thư có đề cập đến thực tiễn sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ dẫn đến sự hoài nghi về con đường đi lên chủ nghĩa hội, bên cạnh đó là sự chống phá của các thế lực chống Cộng và sự dao động, nghi ngờ ngay trong nội tại hàng ngũ cách mạng của Đảng. Từ đó đặt ra những vấn đề thực tế có phải hiện nay chủ nghĩa tư bản, kể cả những nước tư bản chủ nghĩa già đời vẫn đang phát triển tốt đẹp không? Có phải Việt Nam chúng ta đã chọn con đường đi sai không?

Để đưa ra những lập luận về tính đúng đắn của việc lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa: đồng chí Tổng Bí thư không phủ nhận chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học-công nghệ. Tuy nhiên, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó; mà tiêu biểu như khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 và gần đây là cuộc khủng hoảng nhiều mặt đang diễn ra dưới tác động của đại dịch Covid-19; cùng với đó là kinh tế suy thoái, thất nghiệp gia tăng; khủng hoảng năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái của môi trường sinh thái...; khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn, xung đột sắc tộc dẫn đến các làn sóng biểu tình, bãi công, làm rung chuyển cả thể chế; đồng thời, dẫn dắt các đánh giá, phân tích nhiều nhà khoa học nhận định rằng các cuộc khủng hoảng hiện nay không thể giải quyết được một cách triệt để trong khuôn khổ của chế độ tư bản chủ nghĩa.

Từ đó, đồng chí Tổng Bí thư xác định mục tiêu của đấu tranh cách mạng để hướng tới một xã hội: (1) Trong đó, sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. (2) Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. (3) Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. (4) Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. (5) Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có.

Những mục tiêu tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và kiên định, kiên trì theo đuổi. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc, kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc.

Đó chính là những lý lẽ sâu sắc, luận cứ thuyết phục nhằm trả lời cho câu vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Những lý lẽ và lập luận của đồng chí Tổng Bí thư đã được các nhà nghiên cứu, học giả và dư luận trong và ngoài nước đánh giá rất cao; cụ thể một số nhận định, bình luận như sau:

- PGS.TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản bình luận: “Một trong những điểm nhấn của Bài viết là đưa ra những lý lẽ sâu sắc, luận cứ thuyết phục về tính tất yếu thay thế của chủ nghĩa xã hội đối với chủ nghĩa tư bản. Lựa chọn con đường lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu khách quan, là giải pháp đúng đắn để mang lại độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân” (Tại bài viết đăng trên Báo Lao động ngày 19/5/2021).

          - Thiếu tướng, PGS, TS. Đặng Sỹ Lộc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng đã chia sẻ: “Bài viết của Tổng Bí thư tiếp tục khẳng định và củng cố niềm tin son sắt cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta về con đường đi tới tương lai của dân tộc ta. Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho nhân dân ta” (Tại bài viết đăng trên Báo Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 02/6/2021).

          - Giáo sư, Tiến sĩ Gunter Giesenfeld, nhà khoa học truyền thông người Đức, nhận định bài viết rất phong phú về nội dung, đã làm rõ con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cả về mặt lý luận và thực tiễn. Đồng thời, chỉ rõ rằng các cuộc khủng hoảng hiện nay không thể giải quyết được một cách triệt để trong khuôn khổ của chế độ tư bản chủ nghĩa. Do vậy, yêu cầu đặt ra là cần một mô hình xã hội mà ở đó các tiêu chí then chốt là sự nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, chứ không phải cạnh tranh lợi ích một cách bất công; khẳng định mô hình xã hội chủ nghĩa như vậy cùng với độc lập dân tộc là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Tại bài viết đăng trên Tạp chí Mặt trận, ngày 05/8/2021).

          Thứ ba,đối với vấn đề: Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Đây là những điều mà Đảng ta luôn trăn trở, từ tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận Đảng ta từng bước nhận thức ngày càng đúng đắn, sâu sắc hơn về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ ra, Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước đi. Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Những nhận thức mới về thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội đã khắc phục được một số quan niệm đơn giản trước đây, như: đồng nhất mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa xã hội với nhiệm vụ của giai đoạn trước mắt; không thừa nhận sự tồn tại của các thành phần kinh tế; đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản… Đồng chí Tổng Bí thư đã khẳng định phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới. Cụ thể, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nước ta có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Trong đó, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó đồng chí Tổng Bí thư đưa ra các đặc trưng cơ bản của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam:

Một là, phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Hai là, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển của đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội.

Ba là, Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất để điều tiết, định hướng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

* Về nội dung này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Trọng Hoài, nguyên viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tâm đắc với nhận định của Bài viết rằng kinh tế thị trường không phải là của riêng chủ nghĩa tư bản, không phải là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản bởi nó là thành quả phát triển lâu dài của nhân loại, vì vậy, Đảng ta hoàn toàn có quyền sử dụng thể chế kinh tế ấy phục vụ cho mục tiêu của xã hội chủ nghĩa, từ đó sáng tạo ra được mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Tại bài viết đăng trên Báo Công an nhân dân ngày 19/5/2021).

Ông Kenny Coyle, Ủy viên Ban Đối ngoại Đảng Cộng sản Anh cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không đi theo cách tiếp cận giáo điều đối với chủ nghĩa Mác-Lenin, cũng như không bị tác động bởi những hệ tư tưởng chống chủ nghĩa xã hội có thể khiến Việt Nam rơi vào bẫy thuộc địa mới. Ông nhấn mạnh quá trình Đổi mới với việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã giúp Đảng Cộng sản Việt Nam tránh được tình trạng trì trệ và vạch ra con đường đổi mới, sáng tạo trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tất cả những ai quan tâm tới việc tiếp tục phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, các giai đoạn quá độ của chủ nghĩa xã hội và các cơ hội đổi mới chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới đều cần nghiên cứu những đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội (Tại bài viết đăng trên Báo Quốc tế, ngày 19-5-2021).

Thứ tư,đối với vấn đề: Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?Để làm rõ nội hàm thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư nêu những thành tựu nổi bật trong 35 năm đổi mới; đồng thời, chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế, thách thức trong quá trình phát triển đất nước.

Về những những thành tựuTrong suốt 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỉ đô la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Đến nay, hơn 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; Việt Nam tập trung hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010; Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng Internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển.

 Lời phát biểu của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XIII của Đảng.

Qua đó, có thể thấy những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế. Những kết quả, thành tích đặc biệt đạt được của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu từ đầu năm 2020 được nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Về những khuyết điểm, hạn chế và những thách thức mới trong quá trình phát triển đất nước: Về kinh tế, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh còn thấp, thiếu bền vững; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; hiệu quả và năng lực của nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhà nước còn hạn chế; môi trường bị ô nhiễm tại nhiều nơi; công tác quản lý, điều tiết thị trường còn nhiều bất cập. Trong khi đó, sự cạnh tranh đang diễn ra ngày càng quyết liệt trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Về xã hội, khoảng cách giàu nghèo gia tăng; chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế và nhiều dịch vụ công ích khác còn không ít hạn chế; văn hóa, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp; tội phạm và các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trong khi đó, các thế lực thù địch tăng cường chống phá, gây mất ổn định, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”.

Đánh giá những thành tựu trong công cuộc đổi mới của nước ta, học giả Hàn Phương Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân (Chính hiệp) toàn quốc Trung Quốc, Chủ tịch Học hội nghiên cứu Chahar nhận định: Trong 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, Việt Nam luôn kiên trì đi theo con đường phát triển chủ nghĩa xã hội mang đặc trưng riêng của Việt Nam, nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển khá cao, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm khoảng 7%, đến năm 2020 đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); từ tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người chưa đến 100 USD trong giai đoạn mới thực hiện cải cách, hiện nay đã tăng lên tới khoảng 3.500 USD/người, mức sống của người dân Việt Nam được cải thiện rõ rệt, sự nghiệp công bằng xã hội được mọi người dân ghi nhận. (Tại bài viết đăng trên báo Biên phòng ngày 01/8/2021).

          Tiến sĩ kinh tế học Ruvislei González Sáez, Trưởng Bộ phận châu Á của Trung tâm Nghiên cứu chính trị quốc tế của Cuba (CIPI), Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Cuba - Việt Nam đã nhận định: Sau 35 năm với những kết quả tích cực đó, tính đúng đắn của tiến trình cải cách kinh tế - xã hội dưới tên gọi Đổi mới đã được khẳng định. Điều này được thể hiện nổi bật qua việc Việt Nam đã giải quyết được vấn đề an ninh lương thực, vốn được nhiều nước nhìn nhận như một vấn đề thuộc an ninh quốc gia. Không những vậy, Việt Nam còn trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác thuộc loại hàng đầu thế giới. Nền công nghiệp ghi nhận những bước phát triển khá nhanh chóng với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng đều đặn và ngày nay đã chiếm 85% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) (Tại bài viết đăng trên Tạp chí Dân tộc và phát triển, ngày 27/7/2021).

* Từ nhận thức về lý luận và tổng kết thực tiễn, để chỉ ra nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Tổng Bí thư nhận định trong thời kỳ quá độ, các nhân tố xã hội chủ nghĩa được hình thành, xác lập và phát triển đan xen, cạnh tranh với các nhân tố phi xã hội chủ nghĩa, gồm cả các nhân tố tư bản chủ nghĩa trên một số lĩnh vực. Sự đan xen, cạnh tranh này càng phức tạp và quyết liệt trong điều kiện cơ chế thị trường và mở cửa, hội nhập quốc tế. Bên cạnh các mặt thành tựu, tích cực, sẽ luôn có những mặt tiêu cực, thách thức cần được xem xét một cách tỉnh táo và xử lý một cách kịp thời, hiệu quả. Đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một quá trình không ngừng củng cố, tăng cường, phát huy các nhân tố xã hội chủ nghĩa để các nhân tố đó ngày càng chi phối, áp đảo và chiến thắng. Thành công hay thất bại là phụ thuộc trước hết vào sự đúng đắn của đường lối, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Từ đó, đồng chí Tổng Bí thư chỉ ra 5 nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, về đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực, trước hết là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.

Hai là, về xã hội, tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và các dịch vụ công ích khác, nâng cao hơn nữa đời sống văn hóa cho nhân dân. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhằm giữ vững bản chất cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Ba là, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển.

Bốn là, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế.

Năm là, điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống.

          * Có thể nói, bài viết của đồng chí Tổng bí thư đã đề cập những vấn đề rất rộng lớn, rất cơ bản và sâu sắc ở tầm tư tưởng - lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Những thành tựu mà đất nước ta đạt được trong chặng đường vừa qua, đặc biệt là 35 năm đổi mới đã khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn là tất yếu và đúng đắn. Vì vậy, Bài viết có giá trị hiệu triệu tất cả mọi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân tiếp tục tham gia mạnh mẽ hơn vào công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Với niềm tin ấy, chắc chắn chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước của chúng ta ngày càng tươi đẹp hơn như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để tiếp tục triển khai nghiên cứu, học tập, thực hiện có hiệu quả Bài viết của đồng chí Tổng Bí thư trên địa bàn thành phố, tôi xin nêu ra 03 giá trị cốt lõi, đúc kết từ Bài viết, để từ đó các cơ quan, địa phương, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân vận dụng, triển khai thực hiện trên các mặt công tác phù hợp với thực tiễn thành phố:

          Về công tác xây dựng Đảng, giá trị lý luận của bài viết là hết sức quan trọng và quý giá đối với công tác chính trị tư tưởng trong tình hình hiện nay, có thể xem bài viết là một “bản luận cương” rất cơ bản về chủ nghĩa xã hội và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; từ đó xác định nhiệm vụ của Đảng bộ thành phố là tuyên truyền, lan tỏa mạnh mẽ giá trị của bài viết để trả lời, làm rõ những băn khoăn, vướng mắc lâu nay trong xã hội liên quan đến mục tiêu và con đường đi tới của đất nước.

          Việc làm rõ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam có giá trị dẫn dắt trong tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đường lối đổi mới, tầm nhìn và định hướng phát triển của đất nước đã xác định trong Đại hội XIII của Đảng chỉ trở thành lực lượng vật chất khi được thâm nhập, quán triệt sâu sắc và tổ chức có hiệu quả trong hoạt động thực tiễn ở mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vì vậy, công tác quán triệt triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân là rất quan trọng, phải đưa Nghị quyết nhanh nhất, sớm nhất vào cuộc sống người dân thành phố. Đồng thời, bài viết là cơ sở dữ liệu, vũ khí sắc bén để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch. Qua đó, củng cố, nâng cao niềm tin, sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân thành phố về các chủ trương, chính sách của Đảng bộ, chính quyền thành phố.

          Về phát triển kinh tế - xã hội thành phố,trong bài viết đồng chí Tổng Bí thư đã khẳng định “Việt Nam chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người”, “phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội”; chính vì vậy, trong thời gian đến, việc xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách xây dựng và phát triển thành phố phải phục vụ thiết thực cho lợi ích của người dân, phát huy dân chủ, sự tham gia đóng góp ý kiến của các tầng lớp nhân dân thành phố, nhất là trong bối cảnh vừa thuận lợi, vừa thách thức khi thành phố đang thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

          Đồng chí Tổng Bí thư đã khẳng định: “Phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống”. Về nội hàm này, thành phố phải giữ được sự tín nhiệm mà bạn bè trong và ngoài nước nhận định với cái tên “thành phố đáng sống”, bởi nhắc đến Đà Nẵng, nhiều người Việt Nam nghĩ ngay đến một thành phố đáng sống, có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, môi trường trong lành, hệ thống hạ tầng xã hội phát triển, con người thân thiện, văn minh, lịch sự... Chính vì vậy, trong thời gian đến thành phố cần tiếp tục thực hiện các công trình, dự án để phát triển theo hướng đảm bảo yếu tố về môi trường, bền vững, không chạy theo lợi ích kinh tế mà xem nhẹ sự cân đối, hài hòa tổng quan, gây ra những hệ quả, bất ổn ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường sống của người dân thành phố.

          Đồng chí Tổng Bí thư cũng đã nói: “Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công”, một trong những sự khác biệt chế độ xã hội chủ nghĩa và chế độ tư bản chính là tính nhân văn và sự công bằng. Thành phố cần tiếp tục duy trì thực hiện tốt các chủ trương thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”, phát huy những chủ trương, chính sách an sinh xã hội hợp lòng dân trong các đợt dịch Covid-19 vừa qua, tạo sự công bằng, bình đẳng trong xã hội.

          Về đảm bảo quốc phòng, an ninh, bài viết đã khẳng định một trong những giải pháp có ý nghĩa chiến lược góp phần thực hiện hóa mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, là phải đảm bảo vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Về nội hàm này, ngoài công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh chung trên địa bàn thành phố chúng ta phải lưu tâm hai vấn đề: Quan tâm công tác đấu tranh chủ quyền biển đảo, thông qua việc tiếp tục khẳng định vững chắc về cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử; thể hiện vai trò, trách nhiệm không chỉ của các đồng chí là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo Hoàng Sa mà còn là mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố, phát huy giá trị Nhà Trưng bày Hoàng Sa và nhiều chứng cứ khoa học lịch sử khác và đặc biệt là ý thức trách nhiệm của các thế hệ người dân thành phố Đà Nẵng trong kế thừa, đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Cùng với đó, cần xây dựng và phát huy “thế trận lòng dân” về an ninh nhân dân, nhất là trong bối cảnh thành phố đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, vừa chống dịch vừa khôi phục kinh tế - xã hội, thì sự đồng thuận và phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân là yếu tố quyết định sự phát triển của thành phố.

          Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Bài viết cả tầm tư tưởng, lý luận và định hướng thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, tôi tin tưởng rằng những giá trị to lớn của Bài viết sẽ tiếp tục được từng cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố nghiên cứu, học tập, thấm nhuần và triển khai áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, giàu đẹp, xây dựng quê hương Đà Nẵng ngày càng văn minh, hiện đại, an bình và đáng sống.

Đồng chí NGUYỄN VĂN QUẢNG

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,

Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội

 đơn vị thành phố Đà Nẵng

 

Tin liên quan

Trang 1 / 23 - 221 dòngFirstPrevNextLast v
Trang 1 / 23 - 221 dòngFirstPrevNextLast v