.jpg)
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VGP
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 để đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là nghị quyết có ý nghĩa chiến lược, định hình con đường phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong giai đoạn mới, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hoàn thành các mục tiêu của nhiệm kỳ và mô hình chính quyền địa phương hai cấp đã chính thức vận hành tại 34 tỉnh, thành phố từ ngày 1-7-2025.
Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao cơ quan thường trực, Ban Chỉ đạo tích cực tham mưu, ban hành các kế hoạch triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, đồng thời, việc ra mắt 3 nền tảng số: Cổng Thông tin điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Hệ thống thông tin giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW; Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, sáng kiến, giải pháp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là những công việc có ý nghĩa rất quan trọng.
Các kế hoạch và nền tảng nêu trên là biểu hiện sinh động trong việc triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, mở ra một cách làm khoa học, hiện đại, minh bạch, hiệu quả hơn, chuyển từ cách làm truyền thống sang ứng dụng công nghệ số, chỉ đạo điều hành dựa trên dữ liệu, thời gian thực, đánh giá một cách thực chất hiệu quả, xác định rõ trách nhiệm tập thể, trách nhiệm cá nhân có liên quan.
"Năm 2025, chúng ta vừa tạo ra những nền móng để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong bối cảnh mới, vừa phải ứng dụng ngay để phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu đạt tăng trưởng GDP từ 8% và ứng dụng ngay để vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. Vì vậy các nhiệm vụ đặt ra có nhiều nhiệm vụ mang tính chiến lược nhưng có những nhiệm vụ rất cấp bách, cần thực hiện ngay", Tổng Bí thư đề nghị.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: MAI QUẾ
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, từ năm 2018, kế thừa hạ tầng, nền tảng chính quyền điện tử, kinh nghiệm triển khai thí điểm và tiếp cận xu hướng thành phố thông minh trên thế giới, thành phố Đà Nẵng ban hành Đề án “Xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án Thành phố thông minh được triển khai đồng bộ trong cả hệ thống chính trị, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và dựa trên kiến trúc để định hướng, hạ tầng và dữ liệu làm nền tảng. Qua đó hướng đến mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực Đông Nam Á theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Qua hơn 7 năm triển khai, Đà Nẵng đã được các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận và đánh giá cao trong công tác xây dựng thành phố thông minh, chuyển đổi số như Giải Ba Seoul Smart City 2023 do Tổ chức thành phố thông minh bền vững thế giới trao tặng ở hạng mục Thành phố lấy con người làm trung tâm; 4 năm liên tiếp dẫn đầu các địa phương về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh và các kết quả khác, qua đó góp phần nâng cao năng lực quản lý điều hành của chính quyền, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời với yêu cầu của cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, sắp xếp các đơn vị hành chính tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chỉ đạo 57 thành phố đưa ra chủ trương, định hướng xây dựng thành phố thông minh trong giai đoạn mới nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, đặc thù của thành phố Đà Nẵng mới với các nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, xây dựng kiến trúc, mô hình tổng thể thành phố thông minh của thành phố Đà Nẵng mới, tuân thủ Khung kiến trúc Chính phủ số Việt Nam phiên bản 4.0 và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ hai, đầu tư hoàn thiện hạ tầng số; hình thành 1 trung tâm tính toán hiệu năng cao và các trung tâm dữ liệu quy mô khu vực; triển khai Internet vệ tinh tầm thấp để xử lý các khó khăn của các xã vùng sâu, vùng xa; phát triển hạ tầng mạng 5G, Internet vạn vật (IoT) trong khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp để thúc đẩy sản xuất thông minh; tập trung hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nhất là các lĩnh vực như đất đai, quản lý đô thị, giao thông, y tế, giáo dục...
Thứ ba, thí điểm xây dựng bản sao số thành phố Đà Nẵng nhằm mô hình hóa toàn diện thành phố, mô phỏng, dự báo, tối ưu hóa hoạt động quy hoạch, quản lý, vận hành đô thị; nâng cấp, mở rộng Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (Trung tâm IOC) và hình thành nền tảng thành phố thông minh nhằm hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố dựa trên dữ liệu và quản lý đô thị thông minh.
Thứ tư là thu hút nhà đầu tư chiến lược có đủ năng lực để xây dựng cảng Liên Chiểu trở thành Cảng thông minh theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng vừa qua (29-3-1975 - 29-3-2025), tự động hóa toàn diện từ công tác quản trị, vận hành, giám sát, khai thác cảng. Đồng thời, thành phố xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng trở thành khu thương mại tự do thông minh, xanh và phát triển bền vững với các khu chức năng, mức độ hội tụ công nghệ số cao, tích hợp đồng bộ, toàn diện, gắn kết chặt chẽ với trung tâm tài chính quốc tế để tạo thành hệ sinh thái kinh tế hiện đại, thông minh và năng lực cạnh tranh cao.
Thứ năm, triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm xây dựng, vận hành các chức năng của thành phố thông minh; tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy cơ chế hợp tác công - tư, huy động nguồn lực để phát triển nhanh thành phố thông minh.
Thành phố Đà Nẵng đề nghị Trung ương cho phép tổng hợp 3 sáng kiến của thành phố về xây dựng Bản sao số thành phố Đà Nẵng, Cảng thông minh Liên Chiểu, Khu Thương mại tự do thông minh Đà Nẵng vào danh mục các sáng kiến đột phá theo Kế hoạch số 01-KH/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa về cơ chế, chính sách, tháo gỡ rào cản và thử nghiệm các mô hình mới trong quản lý và triển khai. Bên cạnh đó, Đà Nẵng đề xuất Chính phủ chỉ đạo sớm ban hành khung hành lang pháp lý, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức, đơn giá liên quan đến xây dựng thành phố thông minh, nhất là cụ thể hóa cơ chế hợp tác công - tư; quy hoạch, ban hành Kiến trúc dữ liệu quốc gia để các địa phương áp dụng, triển khai đồng bộ, hạn chế tình trạng chồng chéo, trùng lặp, phá vỡ kiến trúc của địa phương. Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thiện các cơ sơ dữ liệu quốc gia, cơ sơ dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành triển khai từ Trung ương đến địa phương và chia sẻ đầy đủ cho các địa phương khai thác, sử dụng.
Mai Quế