.jpeg)
Huỳnh Huy Hưng và Nguyễn Nhật Tuấn Kiệt, tác giả của dự án TalkiEVBot - “Robot hỗ trợ giáo dục cho trẻ em rối loạn lời nói”. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Đây là lần đầu tiên học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đoạt giải ở kỳ thi Khoa học và kỹ thuật quốc tế. Tại ISEF 2025, đề tài “TalkiEVBot - Robot hỗ trợ giáo dục cho trẻ em rối loạn lời nói” của 2 học sinh Huỳnh Huy Hưng và Nguyễn Nhật Tuấn Kiệt (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) dự thi ở hạng mục Robotics and Intelligent machines đã gây ấn tượng đặc biệt nhờ tính ứng dụng cao và chiều sâu nhân văn.
Dự án hướng đến việc phát triển một robot hỗ trợ giáo dục cho trẻ em rối loạn lời nói, tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tăng cường khả năng tương tác, giao tiếp và học tập.
Dự án TalkiEVBot của 2 học sinh cho thấy kiến thức vững vàng về lập trình, modeling, cơ khí và tư duy thiết kế hướng đến cộng đồng. Điều này được ban giám khảo quốc tế đánh giá rất cao, mang thông điệp nhân văn mạnh mẽ, đó là khoa học và công nghệ là công cụ để tạo ra thay đổi tích cực cho những đối tượng yếu thế.
Được biết, hội thi Khoa học và Kỹ thuật quốc tế 2025 là một trong những cuộc thi lớn nhất thế giới dành cho học sinh trung học trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, được tổ chức thường niên tại Hoa Kỳ từ năm 1950. Mỗi năm, ISEF thu hút hơn 1.500 học sinh trung học đến từ hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Tại cuộc thi năm nay, đoàn học sinh Việt Nam có 9 dự án tham gia. Đó là những đề tài xuất sắc từng đoạt giải cao trong cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học lần thứ 13.
Các dự án đến từ các tỉnh, thành phố như Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Trị, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Đoàn Việt Nam giành 6 giải thưởng tại ISEF 2025, trong đó dự án đến từ Đà Nẵng đoạt giải nhì, dự án đến từ Hà Nội đoạt giải ba, các giải còn lại là giải tư.
Thu Hà